tin tức

Hôm qua tôi đã xem phim “Người phụ nữ mang tên niềm vui” – Joy. Đây là bộ phim không nhiều người biết đến và tôi nghĩ là bạn cũng chưa xem. Nếu bạn yêu thích kinh doanh và muốn biết một phụ nữ Mỹ bình thường đã tạo nên cơ nghiệp tỷ USD từ hai bàn tay trắng như thế nào, hãy bỏ ra 2 tiếng để xem hết bộ phim này. Tôi đã đồng cảm thực sự với Joy về con đường cô đã trải qua, cũng như thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn mà một nhà phát minh cá nhân đưa sản phẩm của họ ra thị trường như thế nào. Bạn sẽ hiểu được vì sao nước Mỹ trở nên vĩ đại và vì sao họ có được những doanh nhân cực kỳ giàu có. Bởi đó là đất nước mà người ta (chủ yếu) làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, mồ hôi và công sức chứ không phải (chủ yếu) làm giàu bằng cơ hội, quan hệ, thủ đoạn, lừa lọc, chụp giật, tham nhũng, chính sách ….như ở Việt Nam. (Xin lỗi, tôi chỉ nói quan điểm cá nhân của mình dựa trên những thống kê số lớn mà đài, báo đưa tin. Nếu chẳng may động chạm đến bạn – người đang đọc bài viết này – mong bạn bỏ quá cho vì thực tế xã hội đang diễn ra đúng như vậy. Ai cũng biết điều này – không phải là tôi cố tình nói xấu hay bôi nhọ ai).

Nước Mỹ sở hữu rất nhiều bằng sáng chế, nơi đã sản sinh ra rất nhiều những người như Joy – những doanh nhân/nhà phát minh không ngừng suy nghĩ, sáng tạo để làm ra những sản phẩm/dịch vụ tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng hữu ích đối với mọi người. Không có một sản phẩm nào tự nhiên sinh ra mà không có “cha mẹ”. Không phải tự nhiên mà bạn có những vật dụng hữu ích trong nhà. Không phải tự nhiên mà xã hội loài người tiến lên. Tất cả là nhờ những phát minh/sáng chế ở tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống

Và ở đó – nước Mỹ – người dân có ý thức rất cao về Sở hữu trí tuệ – trong đó có Bằng sáng chế (Patent). Bởi Sáng chế là phương tiện hiệu quả và đắc lực giúp họ kiếm được tiền bằng chất xám của mình. Joy đã phải bỏ ra 50.000 USD để mua quyền sử dụng Sáng chế của một người Hong Kong mà cô tưởng người ấy đã được cấp Bằng Sáng chế cho sản phẩm trùng với ý tưởng của cô. Khi biết được rằng đó chỉ là lừa đảo và Công ty sản xuất tại California đang cố tình ăn cắp thiết kế của mình, Joy đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) chính đáng của cô.

Tại Mỹ, dù là ý tưởng rất nhỏ và đơn giản như cái vòng dây buộc cổ chó, người ta cũng có ý thức đăng ký Sáng chế để bảo vệ tài sản SHTT của họ. Sáng chế cho phép người sở hữu nó được ĐỘC QUYỀN khai thác, sử dụng và bán sản phẩm ra thị trường trong vòng 20 năm, những ai muốn sử dụng thiết kế đó phải xin phép chủ sở hữu và phải đóng phí bản quyền. Nếu sử dụng trái phép (làm giả, làm nhái) có thể bị kiện ra tòa và phải bồi thường cho chủ sở hữu một số tiền rất lớn. Và cũng như một quy luật kinh tế, những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới cũng là những quốc gia dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…)

Ngược lại, ở bên kia bán cầu xa xôi là đất nước Việt Nam tươi đẹp. Ở đó, khi tôi – CEO của Công ty Khánh Trình tham gia Shark Tank (tập 6, mùa 3) để gọi vốn đầu tư từ các Shark, với ước mơ đưa khung xếp đa năng Khánh Trình (tên tiếng Việt là “xà đơn xếp Khánh Trình”) ra thị trường thế giới – thì nhận được câu trả lời của các Shark như sau:

“Thực sự là sản phẩm của em anh nghĩ quá đơn giản. Làm cho tôi cảm giác rất mất thời gian” (Shark Bình)

“ Anh thấy ý tưởng mà sản xuất mấy cái khung sắt như thế này mà em kêu gọi tới 5 triệu USD thì mức giá gọi là điên rồ. Theo anh em đừng sản xuất mấy cái đồ này. Em về em đầu tư sản xuất mấy cái máy in tiền ấy thì may ra một năm em in ra được 5 triệu (Shark Hưng)”

“Theo tôi nghĩ đây là một sản phẩm khá đơn giản, ai cũng có thể làm được…” (Shark Liên)

>>>> Dù trước đó, tôi đã nói với họ rằng đây là Sản phẩm đã có Bằng Sáng chế tại 5 nước là Hoa Kỳ, Việt Nam, Úc, Nigeria và Nam Phi <<<<<

Hùa theo đó, là vô số các thanh niên Việt Nam đã thi nhau comment như thế này trên mạng “Khung này ra mấy ông chuyên hàn xì làm thiếu chó gì mà bố ấy thần thánh hóa lên” “Ngáo. Bố nhìn 1 lần bố cũng làm dc tội j phải mua” “Vài thanh sắt vụn ra thợ hàn nó xoành xoạch vài tiếng là xong” “Mấy cái cơ khí chó gặm bán 7tr một sản phẩm” “Thiết kế quá đơn giản ko khác biệt. Một ông thợ cơ khí cũng làm đc mấy đồ này”… Và vô số các comment khác chửi rủa, thóa mạ tôi, gọi tôi là thằng ngu, thằng điên, thần kinh có vấn đề, thằng ngáo đá, hoang tưởng…

Vài hôm sau, Shark Bình tiếp tục post bài trên facebook cá nhân “Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là bạn gọi số vốn rất to cho 1 sản phẩm không có gì đặc sắc, hàm lượng chất xám không cao, và rất dễ bị sao chép”

Qua một lần lên sóng truyền hình, nghe nhận xét của các Shark, đọc bình luận của rất nhiều người xem, tôi nhận ra một điều: đa số mọi người rất coi thường sản phẩm của chúng tôi và không hiểu rõ ý nghĩa của từ “Sáng chế”. Vì họ chưa bao giờ tự mình sáng tạo ra sản phẩm mới như thế nào, chưa bao giờ làm thủ tục xin cấp Bằng Sáng chế ra sao, nên họ không hề biết tôn trọng giá trị của người khác. Tôi không trách họ vì họ chưa từng trải nghiệm quá trình đó, làm sao họ hiểu được những gì mà người khác đã và đang làm?

Khi một sản phẩm đã thành hình và hiển hiện trước mặt bạn thì cái gì chẳng dễ dàng đơn giản, bạn thử sáng tạo ra một cái gì đó mới và có ích cho nhiều người xem có làm được không? Nếu điều đó quả thực dễ dàng, sao các bạn không nghĩ ra mà mang qua Mỹ bán 7 triệu đồng cho sướng? Quan trọng là bạn CÓ Ý TƯỞNG và tạo ra được một sản phẩm hữu ích TỪ HƯ VÔ được hay không mới là vấn đề.

Và khi tạo ra được sản phẩm như vậy rồi, bạn có được cấp Bằng Sáng chế để Pháp luật bảo hộ độc quyền cho sản phẩm của bạn hay không lại là một câu chuyện khác. Iphone phức tạp đến như vậy mà người ta còn làm nhái được, nói chi đến bộ xà đơn xếp đơn giản của chúng tôi. Khi ai đó đã cố tình sao chép sản phẩm của bạn thì không gì có thể ngăn cản được họ. Tuy vậy, sự công nhận và Bảo hộ Độc quyền của Pháp luật sẽ giúp bạn đứng vững trên thị trường mà không bị những kẻ ăn cắp kia chơi xấu kiểu “lấy thịt đè người”. Nếu không có Bằng sáng chế, thì những công ty nhỏ bé sẽ bị những gã khổng lồ lắm tiền sao chép sản phẩm và nuốt sống…

Chúng ta thường tự vỗ ngực xưng danh “Việt Nam là Do Thái của châu Á” “Trí tuệ người Việt không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới” nhưng thử nhìn lại xem Số lượng Bằng sáng chế được Mỹ công nhận (US Patent – đứng hàng đầu về độ uy tín) của người Việt Nam là bao nhiêu. Nếu bạn biết được con số thống kê, hẳn bạn không khỏi giật mình vì SỐ LƯỢNG QUÁ ÍT so với các nước trong khu vực chứ chưa nói gì đến các Cường quốc trên thế giới. Trong thời gian từ năm 2000 – 2007, Việt Nam chỉ đăng kí được 19 Bằng Sáng chế tại Mỹ, tức mỗi năm trung bình chỉ có 2 Bằng Sáng chế. Từ năm 2006 – 2010, Việt Nam chỉ có 5 Bằng Sáng chế đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 Bằng Sáng chế. Đến năm 2011, chúng ta không có Bằng Sáng chế nào. Trong khi đó, từ năm 2006 – 2010, Singapore (đất nước chỉ có 4.8 triệu dân) nhận được đến 2.496 Bằng Sáng chế Mỹ. Trong năm 2011, Singapore đã được cấp 647 Bằng Sáng chế. Dưới đây là một vài link tham khảo:

http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/viet-nam-co-bao-nhieu-bang-sang-che-my-cong-nhan/576.html
https://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/hon-9-000-giao-su-sao-khong-co-bang-sang-che-78867.html
https://www.thesaigontimes.vn/153491/Rat-it-bang-sang-che-duoc-cap-cho-chu-the-Viet-Nam.html

Vậy mà, chính tôi đã có bằng Sáng chế do Mỹ cấp đấy! Đây chính là Bằng sáng chế Patent US mà tôi đang sở hữu:

Nếu bạn muốn biết chi phí mà chúng tôi phải bỏ ra để có được 5 bằng sáng chế cho “Xà đơn xếp Khánh Trình” tại 5 nước (Mỹ, Úc, Nigeria, Nam Phi, Việt Nam) và đang chờ được cấp Sáng chế tại 60 quốc gia khác, hãy tham khảo bài viết sau (tôi không muốn tiết lộ con số chính xác của Công ty mình):

https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/xu-huong/chi-trieu-do-bao-ho-sang-che-o-nuoc-ngoai-3469735.html

Từ trước đến nay, tôi chỉ thích im lặng mà làm. Bởi tôi cho rằng: nói nhiều mà không làm được gì thì chỉ là bốc phét. Gia đình và nhà trường đã dạy tôi phải có tính khiêm tốn, đừng nói quá nhiều về mình. Nhất là tôi cũng chưa làm được điều gì to tát. Tuy vậy, sau khi lên Shark Tank gọi vốn, tôi cũng đã trở nên khá “nổi tiếng” với danh xưng “CEO ngáo giá”, kéo theo đó là làn sóng coi thường sản phẩm của tôi dẫn đến hệ lụy là làm giảm uy tín Thương hiệu của tôi. Tôi nhận thấy: mình không cần phải im lặng nữa! Đây là lúc mình cần lên tiếng. Tôi phải nói, khi cần thiết !

Do vậy, hôm nay – dù rất bận rộn – tôi cũng dành hẳn một ngày để kể cho các bạn nghe câu chuyện về quá trình sáng tạo cũng như kinh doanh “Xà đơn xếp Khánh Trình” của tôi. Nó là một sản phẩm RẤT HAY, không đáng để bị thiên hạ chế nhạo, coi thường như vậy. Nó là “đứa con đẻ” vô cùng yêu quý của tôi mà tôi phải có trách nhiệm đứng lên bảo vệ nó đến cùng. Bộ phim “người phụ nữ mang tên niềm vui” cũng đã truyền cho tôi niềm tin và động lực, thôi thúc tôi kể ra câu chuyện của mình. Nếu bạn đọc được bài viết này và là một người hiểu chuyện (có đầu óc và có trái tim), bạn sẽ hiểu và trân trọng sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn. Cũng như trân trọng chính bản thân tôi – CEO Lê Nguyễn Khánh Trình – vì tôi là một doanh nhân CHÂN CHÍNH dám nghĩ dám làm – đứng lên làm giàu cho Gia đình và Đất nước bằng MỒ HÔI và CHẤT XÁM của mình mà không có ai chống lưng cũng như không làm bất kỳ điều gì hổ thẹn. Bạn sẽ không vô tình hùa theo đám đông để gọi tôi là “thằng ngáo giá” hay “ảo tưởng” nữa !

Tuy chưa làm được gì to lớn, nhưng tôi có thể TỰ HÀO kể ra câu chuyện của mình mà không có điều gì phải xấu hổ hay hối tiếc!

Tôi sẽ kể cho bạn nghe tôi đã tạo ra “Xà đơn xếp Khánh Trình” ra sao, đăng ký Sáng chế ở các nước như thế nào, đưa sản phẩm ra thị trường ra sao. Hy vọng rằng, nó không những truyền được cảm hứng cho bạn về cách làm giàu bằng tư duy sáng tạo (thiết kế ra sản phẩm mới), mà còn mang lại cho bạn những hiểu biết đúng đắn về “Bằng Sáng chế” để khi ai đó nói đến từ này bạn cũng có cái nhìn chính xác hơn. Đừng suy nghĩ và comment như những người tôi đã kể ra ở bên trên.

Cách đây 20 năm. Gia đình tôi chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội sống. Tôi vào học lớp 10. So với chúng bạn cùng trang lứa ở Thủ Đô, tôi nhận ra mình thật thấp bé. Lúc đó, tôi chỉ cao khoảng 1m53, thấp hơn hẳn một số bạn gái có chiều cao nổi trội. Tôi quyết tâm tập xà đơn để cải thiện chiều cao của mình.

Ngày ấy, bố tôi là bộ đội xa nhà triền miên, mẹ tôi đi làm bận trăm công nghìn việc – chẳng ai có thời gian gọi thợ đến nhà chôn cọc sắt để làm cho tôi một chiếc xà đơn ở trong vườn cả. Tiền công gọi thợ chôn xà cũng đắt, nhiều lần tôi định xin tiền mẹ nhưng thấy mẹ thiếu hụt chi tiêu trong nhà nên tôi lại thôi. Muốn chôn một thanh sắt đơn giản vào tường làm xà đơn (cho rẻ) cũng không thể được vì nhà tôi ở trước kia là nhà cấp bốn (tường vữa rất yếu). Nên tôi đã phát hiện và tập luyện xà đơn trên một nhánh cây mọc ngang trong vườn: vỏ cây sần sùi thô ráp, khi tập rất đau tay và nhiều hôm mưa gió tôi phải ngưng tập.

Kiên trì bền bỉ như vậy cho đến năm 24 tuổi thì tôi cũng dừng cao ở mức 1m67 như bây giờ. Tuy không còn cao lên, nhưng tôi vẫn tập xà đơn hàng ngày vì tập luyện không những mang lại cho tôi sức khỏe và sự sảng khoái, mà còn giúp tôi xóa hết những cơn đau mỏi lưng do ngồi làm việc suốt một ngày.

Lúc ấy, tôi đã đi làm và là nhân viên Ngân hàng BIDV. Công việc bận rộn lại ngồi nhiều khiến tôi có cảm giác mình như ông già mỗi khi đứng dậy khỏi bàn làm việc. Vùng lưng dưới (ngang hông) của tôi ĐAU MỎI RÃ RỜI, cơ lưng hầu như căng cứng. May thay, mỗi khi về nhà, tôi lại ra vườn đu lên nhánh cây “xà đơn” quen thuộc đó. Tôi nhận ra rằng sau khi tập xà đơn thì mọi cơn đau mỏi lưng dường như biến mất, vùng lưng dưới của tôi lại trở nên khỏe mạnh bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra

Thế rồi ngày nọ xảy ra một cơn bão lớn. Gió giật quá mạnh khiến nhánh cây “xà đơn” của tôi bị gãy. Tôi đã mất đi một dụng cụ tập luyện hữu dụng. Những cơn đau mỏi lưng lại kéo đến hành hạ tôi mỗi ngày. Nên tôi phải gấp rút tìm kiếm một chiếc xà đơn khác để thay thế.

Tôi lên phố Trịnh Hoài Đức hỏi mua xà đơn nhưng không có. Tôi lên Internet tìm kiếm thì thấy một vài cửa hàng online có bán loại xà đơn tự đứng với giá hơn 2 triệu. Tôi mua một cái về dùng.

Chiếc xà đơn ấy tuy to lớn cồng kềnh nhưng không đáp ứng được nhu cầu tập luyện của tôi. Khi tôi hít xà, nó rung rất mạnh. Khi tôi giật mạnh, chân nó vênh lên. Những năm ấy tôi hít xà rất khỏe, trung bình mỗi lần khoảng 45-55 cái. Chiếc xà quá rung khiến tôi khó chịu. Khi bị mẹ mắng “dẹp gọn cái xà lại cho mẹ lau nhà”, tôi không thể nào xếp lại được vì cực kỳ khó xếp. Lúc đó, tôi đã có ý định phải chế ra một loại xà đơn khác tốt hơn hẳn chiếc xà đơn này.

Nhưng tôi vẫn chưa làm. Đó chỉ là ý định. Đến cuối năm 2008, tôi bắt đầu thấy chán công việc tại Ngân hàng. Có những buổi sáng, khi dắt xe máy vào hầm gửi xe, tôi đã tự hỏi “Chả nhẽ suốt đời mình sẽ như thế này sao?”. Tôi đi làm mà không cảm thấy hào hứng hay động lực. Tôi không thấy vui, chỉ thấy uể oải, chán chường. Bởi công việc không có gì thay đổi, cứ đều đều, lặp đi lặp lại. Có thể nhiều người sẽ thấy phù hợp với những công việc như vậy. Riêng tôi thì không. Tôi thích những công việc năng động, sáng tạo. Ngoài kia, xã hội đang rộ lên phong trào khởi nghiệp. Báo chí đưa tin ầm ĩ về các Doanh nhân thành công. Còn tôi vẫn ngồi đấy, bị “đóng khung” trong những quy định, quy trình nghiêm ngặt. Tôi muốn có một sự thay đổi. Tôi muốn “tạo ra một cái gì đó” cho riêng mình. Tôi quyết định KHỞI NGHIỆP.

Nhưng, khởi nghiệp phải bắt đầu từ đâu. Tôi phải bán cái gì đây? Đó là một câu hỏi vô cùng nan giải. Thời đại này người khôn của khó. Cái gì hay mọi người đều đã làm hết cả rồi. Nếu không kinh doanh một cái gì đó mới lạ và khác biệt thì Doanh nghiệp mới sẽ không thể tồn tại. Biết phải làm gì đây?

Câu hỏi đó thường trực trong đầu của tôi mỗi khi đi làm hoặc khi tan sở. Một ngày nọ, khi tôi đang tập xà đơn, thì câu hỏi đó lại đột nhiên xuất hiện trong đầu. Vốn từ lâu đã có ý định chế tạo ra một chiếc xà đơn mới tốt hơn hẳn chiếc xà đơn hiện tại, tôi nhận ra đây chính là sản phẩm khởi nghiệp của mình. Tôi cần và thích tập xà đơn, hẳn người khác cũng sẽ cần và thích tập xà đơn. Xà đơn sẽ giúp thanh thiếu niên tăng chiều cao rất tốt và giúp mọi người phòng chữa đau mỏi lưng hiệu quả…

Tôi hào hứng bắt tay vào thiết kế. Tôi suy nghĩ về sản phẩm mới một cách say mê. Ngày đi làm, đêm về thiết kế. Tôi đọc lại vật lý và hình học phổ thông. Tôi tìm hiểu về cơ khí và vật liệu. Tôi tính toán sức bền, chịu lực. Tôi tham khảo các mẫu xà đơn trong nước và quốc tế. Tôi định hình ngay từ đầu các đặc điểm của chiếc xà đơn mới: Phải thật vững chắc, ít rung để các thanh niên (khỏe nhưng mình) hít xà, lăng người thoải mái mà không bị bực mình. Phải xếp lại dễ dàng để khi cần thu gọn ai cũng có thể xếp lại được ngay (tôi hay bị mẹ mắng vì chiếc xà đơn cũ tôi đang tập rất choán chỗ và cực kỳ khó xếp). Phải thiết kế gọn nhẹ để dễ dàng di chuyển và đặt được trong phòng. Nếu chuyển hàng đi xa cũng giảm được chi phí vận chuyển. Phải tăng giảm độ cao linh hoạt để phục vụ được nhiều người. Phải chịu lực cực tốt để sản phẩm được bền lâu, không nhanh hỏng.

Với định hình trong đầu như vậy, sau gần hai tháng miệt mài suy nghĩ và nghiên cứu, bản thiết kế sản phẩm đầu tay của tôi đã ra đời. Tôi tìm đến xưởng cơ khí của người anh để đặt sản xuất thử. Kết quả đúng như tôi mong đợi: Sản phẩm đã gần như đáp ứng được các nhu cầu của tôi !

Có thể bạn sẽ nghĩ: “Ui giời thiết kế cái này dễ như ăn cháo mà nó mất đến gần hai tháng”. Vâng, nó dễ đối với bạn vì bây giờ sản phẩm của tôi đã ở trước mắt bạn. Và bạn được học hành, đào tạo bài bản về thiết kế cơ khí hoặc làm nghề cơ khí. Bạn có các phần mềm chuyên về thiết kế cơ khí trong tay. Còn tôi, ở thời điểm đó, không có cái gì trước mắt mà chỉ là các ý nghĩ và tưởng tượng trong đầu. Tôi đã phải vẽ đi, vẽ lại nhiều lần với nhiều hình dáng sản phẩm khác nhau. Tôi phải tránh tất cả các kiểu dáng hiện có (trong nước và quốc tế) vì khi thiết kế tôi đã tính xa đến việc đăng ký Bảo hộ SHTT ra quốc tế. Rồi tôi phải chọn ra 1 kiểu dáng tối ưu nhất để tiếp tục tính toán chi tiết các thông số về vật liệu và chịu lực. Riêng ý nghĩ “làm sao để sản phẩm xếp lại dễ dàng”, tôi đã gần như thức trọn một đêm vì câu hỏi đó liên tục ám ảnh trong đầu (lên giường nhắm mắt, đắp chăn nhưng không sao ngủ được)…

Lúc đó, tôi là một nhân viên Ngân hàng chỉ được đào tạo về tài chính và nghiệp vụ Ngân hàng, không biết một chút gì về cơ khí và phần mềm thiết kế. Tôi chỉ có khát vọng và sự đam mê, những tờ giấy, cây bút để vẽ, internet để tra cứu và kiến thức hình học/vật lý phổ thông để tính toán. Sau đó, tôi phải tự học các kiến thức về cơ khí để tiếp tục làm. Tôi đã cố gắng rất nhiều để biến một sản phẩm từ hư vô (ý tưởng) trở thành hiện thực…

Thiết kế ra sản phẩm là một chuyện, bán được sản phẩm ra thị trường lại là một chuyện khác. Tôi chưa bao giờ kinh doanh bán hàng mà chỉ được học sơ qua về kinh doanh (ở trường Đại học). Để tiết kiệm chi phí khởi nghiệp, tôi mày mò tự học và thiết kế website đơn giản html. Tôi đăng rao vặt lên vật giá, rồng bay, chợ điện tử, mua rẻ và các trang rao vặt khác. Sau một tháng không có ai mua, tôi đã bán được sản phẩm đầu tiên. Tôi mừng rơi nước mắt vì sản phẩm của mình đã có người chấp nhận. Rồi bán tiếp bộ thứ hai, thứ ba…cứ như thế mọi người xem quảng cáo hoặc giới thiệu cho nhau tìm đến. Theo thời gian, tôi dần dần mở rộng được công việc kinh doanh của mình từ Hà Nội ra Toàn quốc, từ trong nước ra Quốc tế…

Song song với việc bán sản phẩm, tôi thuê Luật sư đăng ký Sở hữu trí tuệ. Tôi nộp đơn xin cấp Sáng chế tại Việt Nam và nhiều nước khác. Đăng ký tại Việt Nam khó một, thì đăng ký tại Mỹ KHÓ GẤP NHIỀU LẦN. Tôi muốn kể nhiều hơn về điều này để cho bạn hiểu lấy được Bằng Sáng chế tại Mỹ chưa bao giờ là đơn giản.

Để một thiết kế sản phẩm được cấp bằng Sáng chế/giải pháp hữu ích, phải đáp ứng đồng thời 03 điều kiện tiêu chuẩn sau (nước nào cũng áp dụng như nhau):

– Có tính mới:

Chưa được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký;

– Mang tính sáng tạo:

Là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp:

Có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm và thu được kết quả ổn định

Chỉ với 03 điều kiện này, đã có rất nhiều ý tưởng, thiết kế bị từ chối cấp Bằng Sáng chế do tiêu chuẩn ngặt nghèo của nó. Bạn đừng nghĩ cứ nộp đơn là sẽ nhận được Bằng. Nếu chỉ đơn giản như vậy thì thế giới này sẽ ngập tràn Bằng Sáng chế và cụm từ “Bảo hộ Độc quyền” sẽ được ban phát tràn lan

Khi đăng ký sáng chế ở Mỹ, đầu tiên, tôi thuê một Luật sư nước ngoài tra cứu thông tin xem sản phẩm giống như vậy đã từng xuất hiện ở bất kỳ một quốc gia nào hay chưa. Luật sư trả về kết quả tra cứu bằng nhiều thứ tiếng với hơn 20 sản phẩm tương tự đã xuất hiện tại nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng khả năng đăng ký thành công Bằng Sáng chế ở Mỹ lên đến gần 70% vì hình dáng và đặc điểm của “Xà đơn xếp Khánh Trình” trông khá khác biệt

Tôi tự tin bỏ tiền nộp đơn đăng ký. Sau vài năm thẩm định hồ sơ, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) trả về kết quả thẩm định lần đầu. Họ TỪ CHỐI cấp Bằng Sáng chế.

USPTO đã cung cấp bằng chứng và hình ảnh về 14 sản phẩm tương tự tại Mỹ và Thụy Sĩ. Trong đó, có cả sản phẩm được công bố từ năm…1902. Họ tra cứu rất kỹ và tìm được những sản phẩm công bố từ rất lâu rồi để reject (từ chối) đơn xin cấp Bằng Sáng chế của tôi. Tôi thấy “choáng” thực sự. Trước đó, Luật sư đã thực hiện tra cứu toàn cầu nhưng không tìm thấy các sản phẩm này. Dường như cơ sở dữ liệu khổng lồ của USPTO đã được bảo mật rất tốt nên Luật sư không thể truy cập được. Tôi hỏi Luật sư: “Bây giờ phải làm thế nào”. Ông ấy trả lời: “Yên tâm, tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm xử lý những từ chối như thế này. Tôi sẽ trả lời lại USPTO để bảo vệ thiết kế của bạn”. Sau đó, chúng tôi làm việc cùng nhau để trả lời lại thư từ chối của USPTO. Tôi hồi hộp chờ đợi kết quả tiếp theo

Sau bốn tháng, tôi nhận được thư thông báo từ USPTO. Họ TIẾP TỤC TỪ CHỐI. Đây là quyết định cuối cùng của họ. Thư trả lời lần trước của Luật sư đã không thuyết phục được USPTO. Họ nêu rõ lý do vì sao không chấp nhận các luận điểm của Luật sư. Tôi lo lắng, rối bời. Tôi hỏi Luật sư: “Bây giờ phải làm gì”. Luật sư trấn an tôi: “Đừng lo lắng, tôi sẽ tìm cách cãi lại họ. Chúng ta phải nộp đơn xin “phúc khảo” vì đây là kết luận cuối cùng của họ. Họ vẫn cho chúng ta thời hạn để phúc khảo”. Một lần nữa, tôi nhóm lên niềm hy vọng. Tôi lại tiếp tục trông cậy vào bản lĩnh và kinh nghiệm của Luật sư.

Nhưng, chỉ còn hai tuần nữa là đến hạn cuối cùng để nộp đơn xin phúc khảo. Vẫn không thấy Luật sư liên hệ lại. Tôi sốt ruột gọi cho ông ấy. Luật sư trả lời: “Vô cùng xin lỗi bạn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng không thể tìm được câu trả lời tốt hơn. Các luận điểm của họ quá sắc bén. Tôi e rằng tôi không thể giúp gì được cho bạn. Tôi đã bó tay”.

Niềm hi vọng cuối cùng của tôi vụt tắt. Cả bầu trời như sụp đổ. Tôi cảm thấy buồn vô hạn. Tôi đã bỏ rất nhiều tiền để thuê Luật sư đăng ký Sáng chế ở Mỹ và nhiều nước khác. Nếu nước Mỹ reject (từ chối), thì các nước khác cũng sẽ từ chối. Không lấy được Sáng chế ở Mỹ, đồng nghĩa với mất nhiều tiền vô ích và con đường xuất khẩu ra Thế giới sẽ vô cùng gian nan. Rồi đây, Trung Quốc sẽ làm nhái sản phẩm của tôi và bán với giá siêu rẻ sang Mỹ và nhiều nước khác. Chúng tôi sẽ không thể cạnh tranh được với họ về giá. Tôi cảm thấy thất vọng vô cùng.

Tôi buồn bã suốt hơn một tuần. Chỉ còn một tuần nữa là hết thời hạn nộp đơn xin phúc khảo. Đến ngày đầu tiên của tuần cuối cùng, ý chí chiến đấu của tôi đột nhiên trỗi dậy. Tôi tự nhủ: “Tại sao mình phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Tại sao mình không tự làm? Đây là vấn đề của mình cơ mà” Nghĩ vậy, tôi quyết định sốc lại tinh thần để tự mình trực tiếp “cãi nhau” với USPTO. Tôi đã ở trong hoàn cảnh không còn gì để mất. Không thể bó tay trông chờ vào người khác. Không thể đầu hàng nghịch cảnh. Tự mình phải đứng lên để bảo vệ “con đẻ” của mình. Còn thời gian, tôi vẫn còn hy vọng..

Tôi dành hẳn một ngày để nghiên cứu thật kỹ các luận điểm từ chối của USPTO. Tôi tra cứu các điều khoản của Pháp luật Mỹ. Tôi nghĩ ra các luận điểm mới sắc bén hơn để “cãi” lại USPTO. Tôi quyết định sẽ chứng minh một luận điểm bằng vật lý (phân tích lực) để họ thấy sản phẩm của chúng tôi là hoàn toàn khác (mang tính sáng tạo).

Nhưng, đã quá lâu rồi tôi không đụng đến vật lý phổ thông. Tôi tìm sách vật lý để đọc lại, tìm ra được đường hướng để chứng minh, nhưng không tự tin rằng mình sẽ làm đúng. Tôi liên hệ với một số người bạn trước kia học chuyên Lý để nhờ họ giúp. Nhưng họ đã quên hết rồi. Tôi lại nhờ đến một số Thầy giáo đang dạy môn Lý ở các trường. Nhưng các thầy chỉ nói chung chung mà không thể chứng minh cụ thể. Họ bảo: “phân tích lực rất phức tạp. Không thể làm được”. May thay, một người em họ đã giới thiệu cho tôi người bạn trước kia dành giải nhì Vật lý quốc gia. Tôi gọi điện cho anh ấy. Mặc dù không còn nhớ nhiều về vật lý phổ thông và không thể vẽ phân tích lực chi tiết, nhưng anh ấy đã giúp tôi khẳng định những gì tôi đang định chứng minh là đúng.

Tôi hào hứng liên hệ lại với Luật sư và đề nghị ông ấy chuyển soạn các luận điểm trả lời của mình sang ngôn ngữ pháp lý. Luật sư tán thành “Được đấy. Các luận điểm của bạn rất tốt”. Hai hôm sau, ông ấy gửi lại văn bản cho tôi. Ông ấy không muốn đưa luận điểm chứng minh bằng vật lý và hình vẽ phân tích lực vào. Tôi kiên quyết bảo “Nếu không chứng minh, USPTO sẽ tiếp tục từ chối, và tôi sẽ không còn cơ hội nào nữa. Đây là hy vọng cuối cùng của tôi, chúng ta không thể bỏ lỡ ”. Luật sư nói: “ OK, tôi sẽ làm theo ý của bạn. Nhưng bạn phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tôi không khuyên bạn làm như vậy. Nếu đưa vào, họ có thể từ chối ngay lập tức”. Tôi kiên định: “Không sao, tôi đã nghĩ kỹ rồi. Cứ đưa vào cho tôi”.

Tôi tin rằng, nếu không đưa phân tích lực vào thì các luận điểm trả lời sẽ không đủ mạnh. “Nói có sách, mách có chứng” sẽ thuyết phục được USPTO. Cách đây nhiều năm, rõ ràng tôi đã áp dụng các kiến thức vật lý này vào để thiết kế ra sản phẩm. Nay, phải dùng chính những kiến thức đó để chứng minh “tính sáng tạo” của nó. Điều đó cũng giúp khẳng định tôi chính là người đã thiết kế ra sản phẩm chứ không phải sao chép của bất kỳ ai. Hơn nữa, đây đã là lần phúc khảo cuối cùng. “Nếu không thử, làm sao biết được. Kiểu gì họ cũng từ chối, chi bằng mình nói hết lẽ với họ vẫn hơn” – tôi nghĩ bụng

Luật sư gửi lại văn bản trả lời USPTO vào khoảng 14h chiều ngày cuối cùng của hạn theo giờ Việt Nam. Nghĩa là, tôi phải fax văn bản đó cho USPTO trước 4h sáng ngày hôm sau để kịp ngày làm việc cuối cùng của thời hạn theo giờ Mỹ. Tôi chỉ còn 14 tiếng để kiểm tra và chỉnh sửa văn bản này trước khi fax đi. Văn bản dài gần 15 trang, viết bằng tiếng Anh theo ngôn ngữ pháp lý. Tôi phải rất tập trung, đọc rất kỹ từng dòng, đoạn nào chưa ổn tôi đều ghi chú lại và thông báo cho Luật sư. Chúng tôi làm việc cùng nhau từ 2h chiều đến tận 12h đêm không ăn, không nghỉ. Đơn xin phúc khảo và thư trả lời USPTO được fax đi lúc 12h đêm. Vẫn kịp thời hạn. Tôi về đến nhà lúc 0:30 sáng, mệt mỏi rã rời. Nhưng trong lòng tôi tràn đầy hy vọng

Một thời gian sau, tôi nhận được thư trả lời của USPTO. Tôi hồi hộp đến mức không muốn mở thư để đọc. Ồ, gì đây. Họ ĐÃ CHẤP NHẬN rồi. Tôi vui mừng khôn xiết. Tôi chỉ muốn hét lên thật to cho thoả niềm vui sướng tột độ của mình. Những nỗ lực cuối cùng của tôi đã được đền đáp xứng đáng. Thật kỳ diệu. Tôi thầm cảm ơn các vị thần linh và ông bà tổ tiên đã dõi theo phù hộ trên mọi bước đường của tôi. Đã từ lâu rồi tôi chưa có được cảm giác hạnh phúc, vui mừng đến như vậy…

Tôi hầu như không bao giờ khoe thành công của mình lên Facebook. Nhưng lần ấy, khi nhận được Bằng Sáng chế chính thức từ Mỹ gửi về, tôi đã không kìm được niềm vui sướng mà chụp ảnh đăng lên khoe với bạn bè trên ấy. Không ai biết được rằng tôi đã rất khó khăn, thậm chí có lúc tuyệt vọng, mới có được tấm Bằng uy tín đó. Nếu tôi không cố gắng chiến đấu đến cùng bằng chính sức của mình, tấm Bằng kia sẽ mãi mãi xa vời.

Bạn bè vào chúc mừng tôi, khen tôi giỏi. Nhưng tôi chỉ nói với họ: “Chẳng qua sản phẩm này đơn giản nên các nước chẳng có ai để ý đến. Không ai làm mà tôi làm nên mới lấy được Bằng Sáng chế”. Tôi đã giấu, không kể cho họ nghe trên khắp thế giới này có đến mấy chục sản phẩm tương tự như của tôi đã đăng ký hoặc có bằng Sáng chế, thậm chí có những Sáng chế từ những năm đầu của thế kỷ trước (1902, 1922). Nếu bản thân Xà đơn xếp Khánh Trình không có tính sáng tạo và khác biệt, cũng như bản thân tôi không đủ bản lĩnh và quyết tâm để “cãi nhau” với USPTO, thì giờ đây tôi đã không lấy được Bằng. Chỉ vì thời điểm đó (lúc đăng hình khoe trên facebook), tôi vẫn quan niệm rằng mình cần phải khiêm tốn, không muốn “nổ” nhiều về thành tích của mình. Tôi chỉ muốn mọi người nghĩ rằng “điều đó cũng bình thường thôi”…

Nhưng giờ đây, tôi không muốn im lặng nữa. Sự im lặng của tôi sẽ khiến cho người khác – những người không trải qua bước đường của tôi – coi thường các giá trị của tôi. Họ sẽ không hiểu, không biết rằng tôi đã tốn rất nhiều mồ hôi, sức lực, đổ rất nhiều chất xám và thời gian để tạo ra một sản phẩm “tuy đơn giản nhưng mang lại giá trị rất hữu ích cho người khác” và lấy được Bằng Sáng chế độc quyền từ nhiều Quốc gia, trong đó có Mỹ.

Nhiều người coi thường gọi sản phẩm của tôi là “mấy cái thanh sắt” mà họ không biết rằng các thanh sắt để không thì vô dụng còn Sản phẩm của tôi thì giúp tăng chiều cao cho trẻ em và thanh thiếu niên HIỆU QUẢ HƠN NHIỀU so với những chiếc xà đơn gắn cửa/gắn tường giá rẻ trên thị trường. Tôi đã tạo nên một cái khung xà đơn luôn cao hơn tầm với của thanh thiếu niên (điều chỉnh độ cao dễ dàng) và chịu lực cực tốt (rất an toàn) để người dùng có thể bật nhảy và đạp chân thoải mái, từ đó giúp kéo giãn cơ thể tối đa cả lưng và chân để tăng trưởng chiều cao nhanh chóng – điều mà các loại xà đơn gắn cửa/gắn tường Trung Quốc giá rẻ không thể làm được. Bạn thử nghĩ xem, khi tập luyện mà không bật nhảy được, cứ phải co chân, không đạp chân được, thì có thể tăng chiều cao nhanh chóng được không? Sự kéo giãn cơ thể mà các loại xà đơn gắn cửa/gắn tường giá rẻ mang lại cho người dùng quá nhỏ, do vậy không thể giúp thanh thiếu niên tăng chiều cao nhanh chóng như xà đơn xếp Khánh Trình được. Như vậy, rõ ràng tôi đã tạo ra một sản phẩm mang lại giá trị hữu hiệu thực sự cho người dùng chứ không phải là “một cái khung sắt chẳng có gì đặc biệt” như nhiều người vẫn nghĩ. Và những người tiêu dùng thông minh sẽ chọn sản phẩm của tôi vì nó đắt hơn nhưng hiệu quả mà không chọn xà đơn gắn cửa/gắn tường chỉ vì nó có giá rẻ. Rẻ mà không hiệu quả thì mua về cũng chỉ phí tiền, bạn cứ nghĩ mà xem ??!

Thông qua bài viết này, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn một số điều:

+ Có những điều tưởng chừng đơn giản mà không hề đơn giản. Đừng nghĩ ai cũng có thể làm được. Vì mỗi người có một khả năng, hoàn cảnh, duyên phận khác nhau đưa đẩy họ vào các “nghiệp” của mình. Đừng bao giờ coi thường người khác hay so đo, ganh tỵ với người khác.

+ Muốn làm giàu chân chính, kiếm được tiền trong thiên hạ, hãy chịu khó suy nghĩ sáng tạo để tìm ra những ý tưởng đột phá, mới mẻ và phục vụ được nhiều người. Hãy mang lại giá trị hữu ích thực sự cho người khác, và muốn thành công thì phải khác biệt. Hãy hướng sản phẩm/dịch vụ của bạn ra thế giới, chú trọng vào chất lượng và uy tín, vì ngoài kia dân số rất đông và thu nhập của họ cũng rất cao. Nên tư duy tạo ra sản phẩm/dịch vụ “Đơn giản nhưng nhiều người cần”

+ Chỉ có phấn đấu, nỗ lực hết mình mới có thể đạt được một giá trị nào đó. Phải mạnh mẽ đương đầu với khó khăn. Khi gặp vấn đề, phải tự mình giải quyết trước tiên, đừng hi vọng/ trông chờ vào người khác.

Hết ./.

Ah quên, bạn hãy xem phim “Người phụ nữ mang tên niềm vui” đi nhé. Phim hay lắm đấy