tin tức

Phỏng vấn Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Công ty Cổ phần Khánh Trình sau lần gọi vốn Shark tank tập 6 mùa 3 năm 2019

Vậy là lần gọi vốn Shark Tank của Công ty Cổ Phần Khánh Trình đã được phát sóng trên VTV3 vào tối thứ tư ngày 28/08/2019. Chắc hẳn sẽ có nhiều khán giả theo dõi Chương trình Sharktank trong và ngoài nước, đặc biệt là phóng viên của các báo/đài về Kinh tế – Kinh doanh, lãnh đạo của các Doanh nghiệp lớn nhỏ, các nhà đầu tư, các đối tác tiềm năng, các đối thủ cạnh tranh, và những người yêu thích kinh doanh/khởi nghiệp…sau khi xem xong chương trình sẽ lên mạng tìm kiếm thông tin về Công ty chúng tôi, truy cập website của chúng tôi để hiểu biết rõ hơn về Startup này.

Do vậy Bộ phận truyền thông và thương hiệu của công ty chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Lê Nguyễn Khánh Trình như một phóng viên độc lập, với mong muốn mang đến cho những người quan tâm một góc nhìn khác về cảm nghĩ của người trong cuộc.

Hy vọng anh em phóng viên gần xa sẽ có được những tư liệu giá trị để đưa tin đúng đắn về Doanh nghiệp, giúp thông tin về chúng tôi đi được xa hơn đến các nhà đầu tư, các nhân tài, các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước – dù họ có xem Shark tank hay truy cập website của chúng tôi hay không. Từ đó, giúp họ hiểu đủ, hiểu đúng về Doanh nghiệp và nhận ra tiềm năng phát triển của Startup ra Thế giới, liên hệ với chúng tôi để cùng chúng tôi Hợp tác đưa Thương hiệu Việt, sản phẩm Việt phát triển nhanh chóng trên trường Quốc tế

Mọi nhu cầu hợp tác, xin liên hệ tại form sau. Vui lòng viết rõ tại tiêu đề là “Mong muốn hợp tác + …..”. Chúng tôi sẽ phản hồi nhanh nhất có thể trong vòng 24h nếu tin nhắn của bạn là giá trị và phù hợp.

Hỏi: Cảm nghĩ của anh về việc gọi vốn đầu tư không thành công?

Đáp: Thực ra, việc tất cả các Shark từ chối đầu tư đã nằm trong dự tính của chúng tôi, nên cảm giác của tôi là hoàn toàn bình thường, thoải mái. Các Shark có đầu tư hay không phụ thuộc chủ yếu vào bốn nhân tố chính: Thứ nhất là tiềm năng sinh lời và mở rộng của Startup. Thứ hai là con người – đội ngũ sáng lập của Startup. Thứ ba là lĩnh vực đầu tư ưa thích và thế mạnh của Shark trong hỗ trợ Startup. Thứ tư là số tiền mà Startup kêu gọi đầu tư có phù hợp với định mức đầu tư của Shark hay không. Phải đáp ứng đầy đủ cả 04 nhân tố đó các Shark mới quyết định đầu tư vào Công ty.

Nhìn vào nhân tố thứ ba, tức danh sách các Shark tham gia chương trình – chúng tôi đã dự tính được rằng sẽ không có Shark nào đầu tư. Bởi vì chúng tôi gọi vốn chủ yếu để đánh ra nước ngoàiLĩnh vực thể thao sức khỏe. Định hướng: xây dựng Thương hiệu, đẩy mạnh bán lẻ. Không có Shark nào mạnh về lĩnh vực này để hỗ trợ chúng tôi chiến đấu. Mà như chúng ta đã biết, nếu không am hiểu sâu về lĩnh vực hoạt động của Startup, các Shark sẽ không đầu tư.

Tiếp theo là nhân tố thứ tư: Số tiền Startup kêu gọi đầu tư. Ngay từ vòng loại, đã có nhiều ý kiến của các Thành viên Ban thẩm định Startup cho rằng số tiền tôi gọi là rất lớn (5 triệu USD đổi lấy 10% Công ty), có thể vượt định mức đầu tư của các Shark, nên sẽ không có ai đầu tư đâu. Họ có quỹ 10 triệu USD thì sẽ phân bổ đầu tư vào nhiều Startup để hạn chế rủi ro, chứ không ai dồn nhiều tiền đầu tư vào một, hai Startup. Hãy cân nhắc gọi một số tiền nhỏ hơn – dưới 1 triệu USD – thì mới có cơ hội được đầu tư. Tôi đã lắng nghe các ý kiến trên và tính toán lại nhiều lần. Tuy vậy, cuối cùng, sau nhiều lần tính toán cũng như có sự tư vấn của một số chuyên gia tài chính nước ngoài chúng tôi vẫn quyết định sẽ kêu gọi đầu tư ít nhất 5 triệu USD. Bởi 5 triệu USD mới thực sự là số vốn mà Công ty tôi cần lúc này để đẩy mạnh việc quảng bá Thương hiệu và Marketing ở nước ngoài, mà cụ thể là Mỹ và Nhật Bản cho năm đầu tiên được đầu tư. Đó là hai Quốc gia có chi phí marketing đắt bậc nhất thế giới, mà nếu chỉ làm thương hiệu + marketing với ít hơn 200.000 USD (tức 20% của 1 triệu USD như nhiều người khuyên) chúng tôi sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì – “dở dở ương ương”. Hoặc là có trong tay một số tiền đủ lớn (>= 1 triệu USD) để bắt tay với các Tập đoàn truyền thông uy tín hàng đầu thị trường (theo kiểu “đắt xắt ra miếng”), hoặc là bạn phải cực kỳ am hiểu thị trường để sử dụng hiệu quả số tiền dưới 200.000 USD dành cho Thương hiệu + marketing. Bài toán mà chúng tôi cần phải giải lúc này là bài toán về Thương hiệu và Marketing để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chứ không phải là bài toán về vận hành hay sản xuất, bởi chúng tôi đã có một sản phẩm tốt và được người tiêu dùng Quốc tế đón nhận và yêu thích. Có thể là tôi đã sai – bởi nhiều người có thể nói là họ có thể làm Thương hiệu và Marketing rất tốt tại Mỹ và Nhật Bản với số tiền dưới 200.000 USD. Nhưng ở thời điểm ấy (khi gọi vốn Sharktank) và đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp được những người như vậy để hợp tác. Và chúng tôi cũng không am hiểu thị trường nước ngoài đến mức có thể sử dụng các tricks để làm Marketing và Thương hiệu hiệu quả với số vốn dưới 200.000 USD. Vậy nên, hoặc là chúng tôi phải gọi vốn ít nhất 5 triệu USD để đạt được mục tiêu của mình, hoặc là không được bất kỳ một Shark nào đầu tư. Chúng tôi đã xác định từ đầu: Được ăn cả, ngã về không. Và cuối cùng, chúng tôi đã lựa chọn kêu gọi đầu tư 5 triệu USD đổi lấy 10% công ty trên truyền hình như các bạn đã thấy.

Và vì sao chỉ đổi lấy 10%? Bởi nguyên tắc gọi vốn của Startup là gọi nhiều vòng (nhiều lần). Khi giá trị công ty tăng đến một mức khác và tiếp tục có nhu cầu về vốn để mở rộng thị trường hay làm dự án mới thì sẽ tiếp tục gọi vốn. Nếu không đồng ý mức 10%, nhà đầu tư (các Shark) có thể đòi mức cao hơn như 20, 30 hoặc thậm chí hơn 50%. Hai bên có thể trả giá, thương lượng với nhau về mức % mà nhà đầu tư được nhận chứ đâu phải chúng tôi bán công ty với giá nào thì các Shark bắt buộc phải chấp nhận giá đó. Quan trọng là cách các nhà đầu tư nhìn nhận về Cơ hội đầu tư cũng như cách họ phân bổ đầu tư cho túi tiền của họ mà thôi.

Trước khi gọi vốn, nhìn thấy 2 trong 4 nhân tố quan trọng đều không đáp ứng, nên chúng tôi cũng KHÔNG HY VỌNG NHIỀU rằng việc gọi vốn sẽ thành công. Nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị chu đáo và cố gắng hết mình cho màn gọi vốn. Và những gì diễn ra đều đúng như dự tính, nên cảm giác của tôi hoàn toàn bình thường, thoải mái

Hỏi: Thực sự là anh không thấy buồn phiền hay chán nản sao?

Đáp: Nói không buồn thì cũng không đúng. Bởi đã làm thì phải có hy vọng, nếu không có một chút hy vọng nào thì tôi chẳng đi gọi vốn làm gì. Tôi không hy vọng nhiều là sẽ được đầu tư, nhưng vẫn có chút ít hy vọng và muốn thử. Không thử thì làm sao biết được. Vì vậy, khi không được đầu tư, tôi cũng buồn chứ.

Nhưng tôi chỉ buồn trong đúng một buổi chiều sau khi ghi hình thôi. Sau hôm đó, tâm trạng của tôi hoàn toàn bình thường, thoải mái để đưa gia đình đi chơi Sài Gòn. Chưa bao giờ tôi xem việc các Shark từ chối đầu tư trên Shark Tank là một “cánh cửa đã đóng lại”, cũng như không bao giờ coi đó là một “thất bại cần phải quên đi”, mà chỉ xem đó như là một trải nghiệm và kỷ niệm thú vị và đáng nhớ.

Bởi vì khi tham gia Shark Tank thì ngoài mục đích gọi vốn để làm cho Doanh nghiệp lớn lên, scale up cả về quy mô và tốc độ – đó còn là một cơ hội rất tốt để chúng tôi quảng bá nhu cầu gọi vốn và thông tin Doanh nghiệp của mình trên sóng truyền hình. TV cũng là một kênh truyền thông rất hiệu quả cho Startup. Lên đó, chúng tôi sẽ được hàng triệu người xem không chỉ trong nước mà còn ngoài nước biết đến, trong đó có các Quỹ đầu tư, những người rất giỏi hoặc những người có rất nhiều tiền đang tìm cơ hội đầu tư. Nếu thấy cơ hội hợp tác tốt, họ sẽ liên hệ với chúng tôi, từ đó sẽ mở ra nhiều cánh cửa khác nhau, không chỉ về vốn đầu tư mà còn về marketing bán hàng và nhiều kết nối hợp tác khác. Chẳng hạn như các nhân tài người Việt ở nước ngoài muốn hợp sức với chúng tôi lập công ty tại một quốc gia nào đó để bán hàng sang thị trường đó. Vậy nên, đối với tôi, đó không phải là “một dấu chấm hết”, đó chỉ là “sự khởi đầu” cho hành trình tiếp theo của Doanh nghiệp.

Hơn nữa, đối với một Doanh nhân gan lỳ như tôi, các thất bại là chuyện thường tình, xảy ra như cơm bữa. Không có người nào làm doanh nghiệp mà chưa nếm mùi thất bại, ít ra cũng phải một lần. Nên “buồn phiền” hay “nhụt chí” không bao giờ nằm trong từ điển của tôi. Nó chỉ là động lực để thôi thúc tôi tiếp tục tiến bước, tìm ra con đường, cách làm khác đúng đắn hơn để đạt được mục tiêu của mình. Tôi là một người thích nhìn về phía trước hơn là ngoái đầu lại phía sau. “Thất bại là bà ngoại của mẹ Thành công”, tôi luôn tâm niệm như vậy, nên các bạn sẽ ít khi nhìn thấy tôi buồn phiền hay chán nản vì thất bại.

Hỏi: Các Shark đều cho rằng anh định giá Doanh nghiệp quá cao. Shark Hòa Bình còn bảo anh “ngáo giá”. Anh nghĩ sao về điều này?

Đáp: Suy cho cùng, bản chất của việc gọi vốn là người chủ doanh nghiệp bán đi một phần Doanh nghiệp của mình cho người khác để lấy vốn đầu tư phát triển. Nếu hai bên thuận mua vừa bán và người mua đánh giá tốt về tiềm năng phát triển của Startup, anh sẽ gọi vốn thành công. Nếu người bán định giá cao, người mua định giá thấp hoặc không đủ tiền, người bán sẽ không bán được. Câu chuyện gọi vốn Shark Tank của chúng tôi cũng như vậy. Các Shark đã định giá Công ty chúng tôi căn cứ vào Doanh thu và lợi nhuận quá khứ như cách họ vẫn làm, trong khi chúng tôi định giá Doanh nghiệp căn cứ vào Tài sản vô hình, lợi thế kinh doanh cùng doanh thu và lợi nhuận dự tính trong tương lai. Hai cách định giá này ngay từ đầu đã trái ngược nhau, do vậy, không một Shark nào đầu tư cho chúng tôi cũng là điều dễ hiểu.

Chúng tôi gọi vốn đầu tư 5 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần của Công ty, điều đó là hoàn toàn hợp lý, và chắc chắn không phải là tôi “ngáo giá” như Shark Hòa Bình đã nói. Nhiều người rất bức xúc và bất bình với câu nói đó của Shark Hòa Bình, nhất là các anh em trong Công ty chúng tôi, xem ông ấy là “kẻ ngạo mạn” chỉ biết châm chọc và coi thường người khác. Nhưng tôi chỉ cười xòa và không hề trách giận gì ông ấy. Là người mua, các Shark sẽ bỏ qua các lợi thế của người bán và chỉ định giá Công ty theo cách của họ, cốt để làm sao họ có lợi nhất trong Thương vụ đầu tư. Chuyện “dìm giá” của người mua đối với người bán trong giao thương là quá bình thường, bất kỳ ai cũng biết điều đó. Vậy nên tôi chỉ cười khi Shark Dũng tính toán rất nhanh các con số (định giá theo cách của anh ấy) để chứng minh rằng tôi đã định giá quá cao. Tôi đã đọc về kỹ thuật định giá của các Shark, nên không muốn giải thích hay tranh luận gì nhiều với anh ấy. Không phải vì tôi bế tắc hay nhận ra mình định giá sai, cũng không phải vì tôi không đủ bản lĩnh tranh luận. Mà vì tôi biết, ngay từ khi làm phép tính định giá, chúng tôi đã sử dụng hai phương pháp khác nhau. Cách tính toán không hề giống nhau giữa hai bên thì nói gì đến chuyện đúng sai. Vậy nên, im lặng và cười là thượng sách, tranh cãi với các Shark trên sóng truyền hình chỉ là hạ sách.

Nói vậy để các bạn hiểu, là một người được đào tạo bài bản về tài chính và có khá nhiều chuyên gia nước ngoài tư vấn, tôi không hề định giá Doanh nghiệp của mình một cách ảo tưởng hay là không biết cách định giá. Tôi hiểu rất rõ rằng: Tài sản to lớn của Công ty chúng tôi là 5 Bằng sáng chế cho sản phẩm đã được cấp tại Hoa Kỳ, Nigeria, Nam Phi, Úc, Việt Nam và gần 60 bằng sáng chế hiện đang chờ cấp tại gần 60 nước khác trên thế giới. Chúng tôi đã đầu tư một số tiền không nhỏ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, biến nó thành một vũ khí sắc bén trong cạnh tranh ở hiện tại và tương lai.

Đó là lợi thế Độc quyền thương mại vô giá – chẳng thế mà hiện nay, các Công ty Trung Quốc đang săn tìm và bỏ ra rất nhiều tiền để mua Bằng sáng chế từ các nhà phát minh trên khắp thế giới. Một ví dụ khác, năm 2012, Google mua Motorola Mobolity cùng 17.000 bằng sáng chế với giá 12,5 tỷ USD để bảo vệ Android trước các vụ kiện bản quyền sở hữu trí tuệ của các đối thủ. Cũng trong năm này, Microsoft mua 800 bằng sáng chế từ công ty AOL với giá hơn 1 tỷ USD. Năm 2013, Kodak đã bán hơn 1.100 bằng sáng chế trong lĩnh vực chụp ảnh cho nhiều hãng công nghệ với giá 525 triệu USD dù Kodak đang tuyên bố phá sản. Những ví dụ trên cho thấy 70-80% giá trị tài sản của nhiều công ty lớn hiện nay là tài sản vô hình chứ không phải là tài sản hữu hình – để thấy giá trị vô cùng lớn của các bằng sáng chế trong thời buổi tài sản trí tuệ chuyển từ vai trò liên quan tới pháp luật sang vai trò mang tính cạnh tranh chiến lược.

sáng chế

Sản phẩm của chúng tôi tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, tiện lợi, đa năng, đánh đúng vào nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trên Toàn cầu, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ một sản phẩm nào có cùng chức năng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước khác. Nếu được đầu tư vốn để làm thương hiệu và marketing đúng đắn, việc chiếm ít nhất 2% thị phần của 5 nước với tổng dân số 670 triệu người (tức các nước chúng tôi đã lấy được Bằng sáng chế và có lợi thế độc quyền trong kinh doanh sản phẩm) là việc không mấy khó khăn. Khi đó, nếu quy đổi doanh thu dự tính của Công ty về hiện tại, có thể thấy giá trị của Công ty trong hiện tại còn vượt xa mức 50 triệu USD như chúng tôi định giá gọi vốn. Hơn nữa, nếu không có bằng sáng chế, chúng tôi sẽ không thể tồn tại và phát triển được vì Trung Quốc sẽ nhanh chóng sao chép hàng loạt và bán với giá siêu rẻ để cạnh tranh đè bẹp chúng tôi. Đó cũng là vũ khí sắc bén và mạnh mẽ để chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường ra toàn thế giới. Hiện tại Doanh thu và lợi nhuận xuất khẩu của chúng tôi còn khiêm tốn vì chúng tôi chưa có đủ nguồn lực để phát triển, nhưng không có nghĩa là chúng tôi sẽ khoanh tay chấp nhận bé mãi và “dậm chân tại chỗ” trong tương lai. Chúng tôi sẽ cố gắng chiến đấu hết mình để biến ước mơ “đưa hàng hóa Việt đến từng gia đình trên toàn thế giới” trở thành hiện thực

Hiện nay, chưa có một ai trên thế giới đưa ra được phương pháp định giá chính xác nhất về Tài sản vô hình của Doanh nghiệp là Bằng sáng chế. Và một trong những phương pháp định giá phổ biến để định giá cho tài sản Sở hữu trí tuệ (SHTT) là căn cứ vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền SHTT có thể nhận được trong thời gian có hiệu lực của quyền SHTT. Chúng tôi đã áp dụng phương pháp này để định giá và gọi vốn. Chỉ có những người không hiểu hoặc cố tình không hiểu mới đánh giá thấp hoặc loại bỏ giá trị của các Bằng sáng chế ra khỏi giá trị Tài sản của Doanh nghiệp trong quá trình định giá!

Hơn nữa, việc định giá một công ty khởi nghiệp khác hoàn toàn với việc định giá một Doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán. Shark Dũng đã từng nói: “Định giá startup là một môn nghệ thuật, định giá giấc mơ nhiều hơn định giá công ty. Nhà đầu tư phải phân biệt được điều này và tạo động lực cho doanh nghiệp thành công. Các công ty truyền thống thường được định giá bằng các chỉ số tài chính rõ ràng. Trong khi startup thì khác, bởi đầu tư vào startup là đầu tư vào hy vọng và ước mơ”. Shark Hưng cũng từng nói: “Câu chuyện định giá giấc mơ là định giá về tương lai, tiềm năng của ý tưởng đó”.

Năm 2013, Đào Chi Anh đã gọi vốn thành công 5.5 triệu USD từ một quỹ đầu tư Hồng Kông để mở chuỗi the Kafe tại Việt Nam. Đây là Startup kinh doanh sản phẩm dịch vụ truyền thống (tương tự chúng tôi) với tiềm năng thị trường và khả năng thành công bé hơn chúng tôi rất nhiều. Khánh Trình có sản phẩm đã tạo ra lợi nhuận, có sáng chế tại các nước để kinh doanh độc quyền và Quy mô thị trường thế giới lên đến 7 tỷ người. Trong khi đó, the Kafe không có gì ngoài nhiệt huyết của Startup với dung lượng thị trường Việt Nam chỉ 90 triệu người. Tại sao quỹ đầu tư Hồng Kông không gọi Chi Anh là “ngáo giá”? Năm 2016, Uber thua lỗ gần 3 tỉ đô la Mỹ, nhưng vẫn được định giá 68 tỉ đô la Mỹ. Trước đó, Uber gần như không tạo ra lợi nhuận gì. Sau khi được định giá 68 tỉ đô la Mỹ, Uber cũng không có vẻ gì sẽ có lời trong tương lai gần. Phải chăng các nhà đầu tư tên tuổi cũng thừa tiền hay “ngáo giá” để đầu tư vào các Startup như vậy??

https://vietnambiz.vn/cach-dinh-gia-startup-chua-co-doanh-thu-58872.htm
https://www.brandsvietnam.com/13767-Ven-buc-man-dinh-gia-startup-cong-nghe-va-fintech

Câu chuyện định giá startup Công nghệ hay Startup sản phẩm truyền thống về cơ bản là hoàn toàn giống nhau – đều là các công ty khởi nghiệp (startup) đang “bán giấc mơ” của mình. Vậy nên, việc định giá của chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở chứ tôi không hề định giá quá cao hay “ngáo giá” như Shark Hòa Bình đã nói. Nếu sản phẩm của bạn không phải “gu” yêu thích của nhà đầu tư, hoặc họ không nhận ra được tiềm năng phát triển, họ sẽ định giá rất thấp công ty của bạn và chế nhạo bạn.

Hỏi: Shark Bình và rất nhiều người còn cho rằng mục đích chính của anh tham gia Shark Tank không phải để gọi vốn mà để PR 0 đồng. Anh nghĩ sao về điều này?

Ai nghĩ thế nào thì mặc kệ họ. Tôi không quan tâm. Tôi chỉ khẳng định một điều: Tôi tham gia Shark Tank là để gọi vốn, vì đó là chương trình dành cho những người khởi nghiệp. Nếu các Shark ko đầu tư, sẽ có những người khác (nghe hiểu tiếng Việt) biết đến tôi và nhu cầu gọi vốn của chúng tôi để đầu tư. Tôi không thích đi gọi vốn nhiều lần tại nhiều quỹ. Chỉ cần một lần lên TV là sẽ được nhiều nhà đầu tư biết tới vì các nhà đầu tư trong nước và khu vực thường xuyên xem chương trình này. Đó là mục đích chính của chúng tôi. Còn PR chỉ là “tác dụng phụ” của việc lên truyền hình mà chúng tôi cũng đã tính đến. Nhưng không phải theo cách tiêu cực như vậy.

Bạn thấy đấy, lực lượng “anh hùng bàn phím” quá đông và nguy hiểm đã hùa theo các Shark comment chửi rủa, bôi nhọ tôi đầy rẫy trên facebook, Youtube. Họ gọi tôi là thằng ngu, thằng điên, thần kinh có vấn đề, thằng ngáo đá, hoang tưởng… Họ nói những điều cực kỳ khó nghe, thậm chí bậy bạ và vô học. Nói thật với bạn, đọc những comment đó tôi không cảm thấy buồn cho mình, mà buồn thay cho cả một thế hệ trẻ Việt Nam “tay nhanh hơn não”, không biết gì nhưng cực kỳ nguy hiểm. Tôi cảm giác họ không hiểu một chút gì về gọi vốn và định giá – thậm chí có người còn không thèm xem chương trình – nhưng lên mạng hùa theo nhau “chém như đúng rồi”.

Tôi đâu phải là loại người thích làm chiêu trò hay chường mặt cho người ta chửi để PR thương hiệu 0 đồng. Muốn quảng cáo truyền hình thì tôi đầu tư làm video bài bản rồi bỏ vài trăm triệu Quảng cáo. Hiệu quả TỐT hơn rất nhiều việc chường mặt ra cho người ta bôi nhọ, hoặc lấy thanh danh của mình ra đánh đổi để tiết kiệm vài trăm triệu quảng cáo truyền hình. Không đáng !! Tiếc gì tiền mà phải sử dụng chiêu trò.

Nếu ai đó vẫn nghĩ tôi tham gia Shark tank là để PR thương hiệu 0 đồng trên TV, xin lỗi, tôi không có tư duy mặt dày và nhân cách rẻ tiền như vậy. Thương hiệu của chúng tôi chưa mạnh, nhưng tôi vẫn đủ sống đàng hoàng. Nếu muốn quảng cáo bán hàng trên TV, tôi sẽ bỏ tiền ra để làm. Tôi không thích những “bữa ăn miễn phí”. Đừng bao giờ xếp tôi vào cùng một nhóm với Hoàng Kiều, Bà Tưng, Ngọc Trinh…

Tôi không quan tâm thiên hạ nghĩ gì. Nhưng tôi không muốn bị hiểu sai. Thật đấy!

Hỏi: Shark Bình, Shark Hưng và Shark Liên không đầu tư vì cho rằng sản phẩm Khung xếp đa năng Khánh Trình quá đơn giản và không có gì khác biệt. Anh đánh giá sao về điều này?

Đáp: Tôi muốn khẳng định lại rằng: Tôi gọi vốn là để làm thị trường nước ngoài. Sản phẩm của chúng tôi tuy đơn giản nhưng tiện ích, chất lượng và an toàn, nên khách hàng nước ngoài rất yêu thíchỞ Mỹ, giá bán lẻ của chúng tôi là 288 USD (khoảng 7 triệu đồng chưa có phí vận chuyển. Nếu bao gồm cả phí vận chuyển là 356 USD – hơn 8 triệu đồng), còn ở Châu Âu do cộng cả thuế nhập khẩu nên chúng tôi bán với giá 384 EUR (khoảng gần 10 triệu đồng chưa có phí vận chuyển. Đã bao gồm phí vận chuyển là 465.19 EUR – khoảng 12 triệu đồng) thế mà người nước ngoài vẫn mua. Và sau khi sử dụng họ rất thích nên đã giới thiệu cho nhau mua tiếp. Chúng tôi chưa biết cách Marketing hiệu quả ở Châu Âu, Nhật Bản mà vẫn bán đều đều chủ yếu khách hàng giới thiệu cho nhau tìm đến. Nhận thấy tiềm năng rất tốt ở nước ngoài nên tôi mới đi gọi vốn để làm cho Công ty lớn lên, tăng sức mạnh cạnh tranh, ăn được miếng bánh to hơn là thị trường Quốc tế.

Suốt cả chương trình Shark Tank, chưa lúc nào tôi nói là gọi vốn để làm tại thị trường Việt Nam nhưng dường như một số Shark cũng như những người đang hùa theo Shark vẫn đang dùng tư duy kinh doanh tại thị trường Việt Nam để đánh giá về dung lượng của thị trường và tiềm năng phát triển của sản phẩm, sau đó coi thường và chế giễu sản phẩm của chúng tôi. Người Việt ta cứ hay chuộng đồ ngoại và coi thường những sản phẩm do người Việt làm ra. Nhưng người nước ngoài lại đánh giá rất cao, thậm chí họ còn khen chất lượng sản phẩm của chúng tôi tốt và hay hơn xà đơn sản xuất tại Âu, Mỹ. Đâu phải tự nhiên mà tôi rất tự tin để đi gọi vốn trên truyền hình

Lúc đầu tôi định nói luôn 7 đặc điểm khác biệt của Khung xếp đa năng Khánh Trình so với các sản phẩm khác có cùng chức năng trên thị trường trong phần thuyết trình. Nhưng vì giới hạn thời gian của Chương trình – họ chỉ cho thuyết trình có 03 phút – nên Đạo diễn khuyên tôi nên tập trung nói về Kinh doanh hơn là nói nhiều về sản phẩm. Khi nào Shark hỏi “sản phẩm có gì khác biệt” thì lúc đó mới nói.

Lúc sau, Shark Liên có hỏi “tôi thấy sản phẩm này người ta bán nhiều rồi mà”. Trong khi tôi đang giải thích cho Shark Liên nghe về sự khác biệt của sản phẩm thì Shark Hưng lại ngắt lời hỏi sang câu hỏi khác nên tôi đã không show ra được các đặc điểm nổi bật và khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm có cùng chức năng trên thị trường. Phần ngắt lời này của Shark Hưng đã bị cắt đi khi lên sóng. Chắc vì các Shark cũng thấy nó đơn giản quá nên họ quên mất một điều rằng: một sản phẩm muốn lấy được Bằng sáng chế tại nhiều quốc gia, đặc biệt là sự kiểm tra Sáng chế cực kỳ cẩn thận và khắt khe tại Hoa Kỳ – phải mang “tính mới”, “sự sáng tạo” chứ không đơn thuần là cứ nộp đơn là họ sẽ cấp !

Các bạn cứ đọc bài viết của tôi dưới đây sẽ hiểu:

 >> CEO Khánh Trình: Tôi đã tạo ra sản phẩm và lấy được Bằng Sáng chế tại Mỹ như thế nào?

Tôi không chê trách gì các Shark, tôi nghĩ họ không đầu tư chủ yếu bởi nhân tố thứ ba và thứ tư như tôi đã nói ở trên. Còn nếu thực sự họ không đầu tư chỉ vì “sản phẩm quá đơn giản” thì rõ ràng là tư duy kinh doanh của họ có vấn đề. Bởi vì họ chỉ thích những thứ phức tạp, cao siêu, trong khi trên thực tế là những sản phẩm đơn giản nhưng đánh đúng nhu cầu khách hàng mới nhanh chóng tạo nên những Thương hiệu hàng đầu thế giới và mang lại lợi nhuận thực sự. Chẳng hạn như triệu phú $ người Mỹ gốc Á Cheong Choon Ng đã rất thành công với những chiếc dây chun nhiều màu đơn giản, hay chiếc dao cạo râu Gillette tuy đơn giản và nhỏ bé nhưng đã là thương hiệu hàng chục tỷ USD cả trăm năm nay…Có rất nhiều những dẫn chứng khác cho thấy sản phẩm đơn giản mà nhiều người cần còn hiệu quả hơn rất nhiều những thứ phức tạp nhưng ít người mua. Có những phát minh sáng chế cực kỳ phức tạp nhưng mãi chỉ nằm trên giấy hoặc làm ra không thể bán được bởi chẳng ai cần đến cũng là một dẫn chứng khác cho điều đó.

Có lẽ họ sợ sản phẩm đơn giản sẽ bị sao chép dễ dàng, nên việc đầu tư vốn sẽ rủi ro chăng? Về điều này, tôi khẳng định luôn, là trừ máy bay, tên lửa và những sản phẩm vật chất vừa to vừa phức tạp – còn lại đã là hàng tiêu dùng thì kể cả phức tạp như Iphone người ta còn làm giả, làm nhái được chứ đừng nói đến cái xà đơn xếp đơn giản của chúng tôi. Quan trọng là, chúng tôi đã có Bằng sáng chế tại nhiều quốc gia để Bảo hộ độc quyền cho sản phẩm chống lại hàng giả, hàng nhái. Và người nước ngoài họ cũng tôn trọng quyền Sở hữu trí tuệ của người khác hơn người Việt Nam và Trung Quốc rất nhiều. Chỉ có Việt Nam, Trung Quốc mới làm hàng nhái, hàng giả tràn lan với tư duy “ăn cắp không biết ngượng” và Bằng sáng chế chẳng được ai tôn trọng, chứ nếu kinh doanh ở nước ngoài – đặc biệt là các nước phát triển – mà bạn có Bằng Sáng chế trong tay – thì thậm chí còn an toàn hơn những ý tưởng, mô hình Công nghệ hay trong giai đoạn khởi nghiệp rất nhiều.

Bởi mô hình và ý tưởng hay sẽ bị người ta bắt chước và dùng vốn lớn để đè bẹp vì chẳng có gì bảo vệ, trong khi đó, sản phẩm vật chất lại được Pháp luật bảo hộ bằng quyền Sở hữu trí tuệ như Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…chống sao chép rất tốt. Ví dụ như Công ty Uber, mô hình gọi xe rất hay, hàm lượng chất xám công nghệ rất lớn, nhưng bị bao nhiêu công ty khác bắt chước và cạnh tranh khốc liệt, đến giờ vẫn lỗ. Nếu không thể gọi thêm vốn đầu tư được nữa và tuyên bố phá sản, thì các nhà đầu tư ban đầu sẽ mất trắng. Ở Việt Nam, có thể nhìn thấy Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi đều là các Công ty công nghệ lớn, hàm lượng chất xám và vốn đầu tư đổ vào nhiều, nhưng mô hình gần như giống nhau, thi nhau đốt tiền giành giật thị phần chưa biết bao giờ đến hồi kết. Nếu cuộc đua không ngã ngũ, thì cuối cùng chẳng ai có lãi. Nếu một công ty chiến thắng, thì những công ty còn lại sẽ mất rất nhiều tiền mà chẳng thu được gì.

Trong khi đó, nếu bạn đã xem phim “người phụ nữ mang tên niềm vui – Joy”, thì chỉ với một sản phẩm đơn giản là cây lau nhà, nhưng bán đến đâu thu lời đến đó, cuối cùng Công ty của Joy trở thành doanh nghiệp Tỷ USD tại Mỹ.

Như Shark Việt đã nói: “Cái quan trọng nhất là từ cái đơn giản mà mình kiếm được tiền – thế mới là kinh doanh“. Tôi rất thích cách tư duy này của chú ấy. Tuy không đầu tư nhưng chú ấy đã động viên tôi bằng câu nói rất ấm lòng. Chú ấy đã lắng nghe từ đầu đến cuối, im lặng để suy xét rất kỹ, thậm chí một mình đi lên kiểm tra lại sản phẩm của tôi khi các Shark khác ngồi dưới đặt câu hỏi. Đoạn này khi lên tivi người ta đã cắt mất vì không đủ thời gian phát sóng của nhà đài. Nhưng tôi hiểu cái nhìn thấu đáo và có tầm của Shark Việt. Nếu tôi gọi vốn với số tiền ít hơn, tôi nghĩ chú ấy sẽ đầu tư…

Hỏi: Anh đánh giá như thế nào về lời khuyên của Shark Dũng và Shark Việt ở cuối phần gọi vốn?

Đáp: Đối với tôi, mọi lời khuyên đều bổ ích và tôi muốn cảm ơn các Shark đã khuyên nhủ chân tình đối với Startup. Nhưng thực sự tôi không muốn Công ty của mình mãi bé như thế này. Tôi đã định hướng và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi lớn Toàn cầu. Đó là lý do tôi quyết định cổ phần hóa công ty gia đình và đăng ký Sáng chế tại rất nhiều Quốc gia. Nếu không vì khát vọng thực hiện giấc mơ lớn của mình, tôi sẽ không bao giờ đi gọi vốn hay chia sẻ Công ty của mình cho người khác. Và tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Khánh Trình trở thành một thương hiệu lớn trên toàn cầu. Tôi luôn tin rằng chúng tôi sẽ thành công.

Hỏi: Nói như vậy nghĩa là anh sẽ tiếp tục gọi vốn sau Sharktank?

Đáp: Chính xác. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục. Đối với tôi, gọi vốn chưa bao giờ là chuyện dễ, nhưng cũng không phải là chuyện quá khó. Đó là nơi gặp gỡ giữa những người cùng chí hướng, bắt tay hợp tác với nhau để cùng thực hiện một mục tiêu lớn mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nếu anh và tôi đều OK, thì chúng ta cùng lên chung một con thuyền. Nếu không hợp nhau thì đường ai nấy đi. Chỉ đơn giản như vậy.

Ngay đến Alibaba, hiện là một tập đoàn hàng đầu Thế giới, cũng đã phải trải qua một quá trình gọi vốn đầu tư đầy gian khổ và chật vật. Nhưng, có ai bảo Jack Ma là “kẻ thất bại” và Startup của ông là “đồ bỏ đi”? Chẳng qua, ở những lần gọi vốn trước đó, Jack Ma đã chưa gặp đúng người. Phải đến lần gọi vốn tại SoftBank, gặp được tỷ phú Nhật Bản Son Masayoshi, Alibaba mới cất cánh. Như vậy, vạn vật trên thế giới này gặp được nhau đều có cái Duyên của nó. Nếu chưa có duyên với nhau, thì chưa có sự hợp tác. Cả 5 Shark đều không đầu tư cho tôi, không có nghĩa là hàng trăm nghìn quỹ đầu tư trên thế giới sẽ quay lưng lại với tôi. Thế giới này rất rộng lớn và đầy cơ hội, sau Sharktank tôi sẽ tiếp tục gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tôi không tin rằng với một sản phẩm tốt, tiện lợi, dễ thương mại hóa và đã xuất khẩu hàng nghìn bộ đến hơn 40 quốc gia như Khung xếp đa năng Khánh Trình, hiện có bằng sáng chế tại 5 quốc gia và đang kiểm tra sáng chế tại gần 60 quốc gia khác, lại không được bất kỳ một quỹ hay cá nhân nào đầu tư.

Xin cảm ơn anh về buổi phỏng vấn. Chúc anh sức khỏe và sớm đạt được ước mơ của mình!

Cảm ơn bạn, cảm ơn mọi người đã quan tâm!